Tư duy thiết kế: Trợ thủ đắc lực trên con đường khôn lớn của trẻ

Tư duy thiết kế (Design thinking) là phương pháp tư duy kích thích tính sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân và thử nghiệm trong quá trình giải quyết vấn đề. Nếu Reggio Emilia là tinh thần giáo dục thúc đẩy sự tự tin vào chính mình của trẻ thì tư duy thiết kế trở thành một phương pháp giáo dục hữu hiệu trong việc hình thành sự tự tin đó trên con đường sáng tạo. Để hiểu rõ hơn về Tư duy thiết kế (Design Thinking), UNIQI đã tổng hợp lại một số thông tin quan trọng sau:

Thế nào là Tư duy thiết kế (Design Thinking)?

Tư duy thiết kế là phương thức tư duy thường được các nhà thiết kế sử dụng. Mục đích của phương pháp tư duy này là tìm ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề. Sự sáng tạo ấy nằm ở việc tìm kiếm nhu cầu của con người rồi đưa ra những giải pháp mới. Việc áp dụng tư duy sáng tạo vào giáo dục mầm non chính là hình thành thói quen giải quyết vấn đề dựa trên việc lắng nghe, quan sát những người xung quanh và tinh thần dám thử nghiệm, dám thất bại nhiều lần.

Tư duy thiết kế lấy sự đồng cảm làm tiền đề.

Có thể thấy, lối tư duy này khác hoàn toàn với lối tư duy dựa trên giải pháp. Tư duy thiết kế chú trọng việc xác định rõ đối tượng mình hướng đến trong khi tư duy giải pháp chỉ tập trung vào tìm kiếm giải pháp một cách nhanh nhất. Nghe qua thì lối tư duy này sẽ có phần khó khăn với lứa tuổi mầm non vì lúc này các em còn hành động và suy nghĩ cảm tính, tuy nhiên dưới sự hỗ trợ và gợi mở của người lớn, kết hợp cùng phương pháp giáo dục Reggio Emilia – một tinh thần giáo dục mầm non coi trọng sự khác biệt của trẻ – thì định hướng và rèn luyện tư duy thiết kế cho trẻ là hoàn toàn có thể.

Lợi ích Tư duy thiết kế (Design Thinking) trong quá trình giáo dục trẻ mầm non.

  • Khiến trẻ trở nên kiên nhẫn hơn: Các em sẽ rèn được sự kiên nhẫn trong nhiều khía cạnh: kiên nhẫn trước một vấn đề nan giải để giải quyết đúng trọng tâm vấn đề; kiên nhẫn quan sát sự vật, hiện tượng, khúc mắc mà mình đang phải đối mặt; kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của đồng đội trong quá trình làm việc nhóm; kiên nhẫn thử đi thử lại nhiều lần nếu quá trình “tạo mẫu” thất bại để có thể nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau,…
Design Thinking giúp trẻ rèn tính kiên nhẫn.
  • Được rèn luyện kĩ năng quan sát và phân tích vấn đề thông qua việc kích thích trí tò mò và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.
  • Khuyến khích thử nghiệm, dấn thân, để trẻ tự tin bộc lộ những suy nghĩ, ý tưởng của mình.
  • Học được cách đồng cảm với những người xung quanh: Các bạn nhỏ sẽ tập được thói quen lắng nghe những người xung quanh như thầy cô, bạn bè,… để giải quyết được vấn đề của mình. Từ đó, không chỉ thu nhận được thêm nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, trẻ còn cải thiện được giao tiếp xã hội, gần gũi và biết cách thông cảm cho những người xung quanh.
Design Thinking giúp trẻ học cách đồng cảm với những người xung quanh

Các bước hình thành tư duy thiết kế

Để hình thành tư duy thiết kế cần trải qua chu trình gồm 5 bước bao gồm: Đồng cảm, xác định vấn đề, hình thành ý tưởng, tạo mẫu, kiểm tra. Đây là chu trình khép kín, sau khi trải qua bước cuối cùng (Kiểm tra), nếu vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để thì chúng ta có thể thực hiện lại các bước trên đó, thông thường sẽ là bước đồng cảm.

Chu trình 5 bước Design Thinking.

Tư duy thiết kế là lối tư duy giúp mọi người, đặc biệt là trẻ em giải quyết vấn đề dưới góc độ mới mẻ hơn. Lối tư duy này luôn khuyến khích trẻ tò mò, khám phá, dấn thân và trải nghiệm thật nhiều thông qua kĩ năng quan sát và lắng nghe. Đó là lí do vì sao UNIQI tin rằng sự kết hợp giữa Tư duy thiết kế và Phương pháp giáo dục mầm non Reggio Emilia sẽ là giải pháp hiệu quả trong việc tìm kiến và phát triển những tiềm năng trong mỗi đứa trẻ.

Bản quyền bài viết thuộc UNIQI Preschool. Yêu cầu không repost lại bài mà không trích nguồn.

Bài viết liên quan

ĐĂNG KÝ